QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Đề án Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam
________________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 08 tháng 5 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục đích, yêu cầu của Đại hội
a) Mục đích Đại hội nhằm tiếp tục tổng kết, đánh giá công tác dân tộc, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; khẳng định, tôn vinh và biểu dương công lao đóng góp to lớn của các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước qua các thời kỳ;
b) Yêu cầu: Đại hội các cấp tổ chức phải trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi, tự hào trong các tầng lớp nhân dân.
2. Nội dung Đại hội: tổng kết, đánh giá phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong các thời kỳ cách mạng, đặc biệt thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển; đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác dân tộc từ Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) đến nay và định hướng đến năm 2020.
3. Đại hội được tổ chức ở 3 cấp: huyện, tỉnh và trung ương (Đại hội toàn quốc);
4. Thời gian Đại hội các cấp
a) Đại hội cấp huyện, cấp tỉnh: thời gian 01 ngày, từ quý III đến hết quý IV năm 2009;
b) Đại hội toàn quốc: thời gian 02 ngày, vào trung tuần tháng 5 năm 2010 – dịp Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
5. Kinh phí Đại hội
a) Ngân sách trung ương bảo đảm chi tổ chức Đại hội toàn quốc và các hoạt động của Đại hội;
b) Ngân sách địa phương bảo đảm chi tổ chức Đại hội cấp tỉnh, huyện và các hoạt động của Đại hội; đối với các địa phương chưa tự cân đối được thu, chi ngân sách trên địa bàn thì ngân sách trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương để thực hiện.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Thành lập Ban Chỉ đạo Đại hội toàn quốc do một đồng chí Phó Thủ tướng làm Trưởng ban; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Phó Trưởng ban Thường trực; thành viên Ban Chỉ đạo gồm các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương liên quan (Thủ tướng Chính phủ sẽ có Quyết định riêng); Ban Chỉ đạo tổ chức Đại hội cấp tỉnh, huyện do đồng chí Chủ tịch hoặc một số đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban; thành viên gồm lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đơn vị cùng cấp có liên quan (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định).
2. Ủy ban Dân tộc là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đại hội toàn quốc, giúp Ban Chỉ đạo Đại hội toàn quốc chỉ đạo việc tổ chức Đại hội các cấp; chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, cơ quan Trung ương liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch tổ chức Đại hội toàn quốc; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai tổ chức Đại hội các cấp; theo dõi báo cáo Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội toàn quốc về kết quả Đại hội các cấp và thực hiện các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội toàn quốc phân công.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội các cấp bảo đảm theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư về tổ chức Đại hội.
4. Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan thực hiện các nhiệm vụ quy định trong Đề án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng (đã ký) |
___________________________________________________________
ĐỀ ÁN
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 757/QĐ-TTg, ngày 08 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ)
_______________________
Căn cứ Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 08/5/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 60/2008/NĐ-CP, ngày 09/5/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân tộc;
Uỷ ban Dân tộc đã xây dựng Dự thảo Đề án Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam và xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành. Sau khi nhận được ý kiến của 09 bộ, ngành (Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Ban Dân vận Trung ương; Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương; Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam);
Uỷ ban Dân tộc đã tiếp thu ý kiến và bổ sung, hoàn chỉnh Đề án Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT TỔ CHỨC ĐẠI HỘI
Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số nước ta chiếm 13.8%, dân số cả nước, phân bố trên địa bàn rộng lớn với 3/4 diện tích lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở vùng miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái. Đồng bào các dân tộc luôn phát huy truyền thống đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, kề vai sát cánh trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, khắc phục thiên tai và xây dựng đất nước.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vai trò hết sức quan trọng và to lớn. Đảng và Nhà nước luôn coi việc chăm lo cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng và đạo lý truyền thống của dân tộc. Với các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang được đổi thay đáng kể trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bác Hồ lúc sinh thời đã cùng Đảng và Nhà nước ta quan tâm tổ chức hai Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số ở hai miền Bắc và Nam. Đại hội đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 03/12/1945; Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng Đại hội và khẳng định: “Nhờ sự đoàn kết giữa các dân tộc, nhờ sự hy sinh của tất cả các đại biểu mà chúng ta tranh được quyền tự do, độc lập và xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Từ đây về sau các dân tộc đã đoàn kết phải đoàn kết thêm, đã phấn đấu càng phải phấn đấu thêm nữa, để giữ gìn quyền độc lập cho vững vàng để xây dựng một nước Việt Nam mới”. Đại hội lần thứ hai - Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam - được tổ chức ngày 19/4/1946 tại Plâyku, Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng, động viên và chỉ đạo : “…Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu dây liên lạc, hai là có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta. Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “Nha Dân tộc thiểu số” để săn sóc cho tất cả các đồng bào. Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ của chúng ta, vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non, để ủng hộ Chính phủ ta…”. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, đồng bào các dân tộc thiểu số trong cả nước đã chung sức, chung lòng góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước và có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ đó đến nay, nước nhà đã thống nhất, hoà bình, đổi mới và phát triển, Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số chưa có dịp được tổ chức. Do đó, việc tổ chức Đại hội là rất cần thiết, nhằm tiếp tục tổng kết, đánh giá công tác dân tộc trong suốt chặng đường dài cách mạng Việt Nam, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; khẳng định, tôn vinh và biểu dương công lao đóng góp to lớn của các dân tộc thiểu số đối với thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam; có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn bổ sung cho việc hoạch định chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ mới. Đây là lần đầu tiên Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam được Nhà nước tổ chức với quy mô toàn quốc, có điều kiện tập hợp đầy đủ đại biểu của 53 dân tộc thiểu số, đại diện cho các thành phần xã hội, lĩnh vực, vùng miền; nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực mới trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế và phát triển.
Đại hội là diễn đàn giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; đây cũng là nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong cả nước. Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, biểu tượng của khối đại đoàn kết các dân tộc, thống nhất ý chí và hành động để phát huy sức mạnh của cộng đồng dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, cảnh giác, đấu tranh trước âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và chống phá cách mạng Việt Nam.
II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
a) Đại hội nhằm khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc trong suốt quá trình cách mạng;
b) Khẳng định và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, trong công cuộc đổi mới xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế; xây dựng củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước;
c) Tôn vinh, biểu dương và khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số qua các thời kỳ cách mạng Việt Nam, đặc biệt là thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển; cổ vũ và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;
d) Giao lưu trực tiếp giữa đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Đại hội.
2. Yêu cầu:
a) Đại hội là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc, thống nhất ý chí và hành động, thể hiện niềm tin của cộng đồng các dân tộc thiểu số vào tương lai phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước;
b) Đại biểu Đại hội phải là người dân tộc thiểu số, đại diện cho các dân tộc, thành phần, vùng miền, lĩnh vực của đời sống xã hội được chọn cử từ Đại hội các cấp;
c) Đại hội từ địa phương đến Trung ương cần được tổ chức trang trọng với quy mô phù hợp, thiết thực, tiết kiệm, đồng thời tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi, tự hào trong các tầng lớp nhân dân;
d) Tổ chức tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội các cấp, thiết thực thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và các sự kiện lớn trong năm 2010.
III. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN:
1. Tên Đại hội:
1.1. Tên Đại hội toàn quốc:
“Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam”;
1.2. Tên Đại hội cấp tỉnh:
“Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh…”;
1.3. Tên Đại hội cấp huyện:
“Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện…”;
2. Chủ đề trọng tâm của Đại hội:
Xin đề xuất 02 phương án để chọn chủ đề:
2.1. Phương án 1:
“Cộng đồng các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
2.2. Phương án 2:
“Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển”.
Uỷ ban Dân tộc đề nghị chọn chủ đề theo phương án 1.
3. Quy mô Đại hội:
3.1. Đại hội được tổ chức ở 3 cấp: Đại hội cấp huyện, tỉnh và cấp Trung ương (Đại hội toàn quốc);
a) Đại hội toàn quốc gồm: các đoàn đại biểu của các tỉnh, thành phố được chọn cử ở Đại hội cấp tỉnh; đại biểu các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương (các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương không tổ chức Đại hội, mà tổ chức Hội nghị bình xét, chọn cử đại biểu đại diện lĩnh vực, ngành tham dự Đại hội toàn quốc theo Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Đại hội toàn quốc);
b) Đại hội cấp tỉnh gồm: Đoàn đại biểu các huyện, thị xã; đoàn đại biểu các sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh (các sở, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang không tổ chức Đại hội, mà tổ chức Hội nghị bình xét, chọn cử đại biểu dự Đại hội cấp tỉnh theo Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh).
c) Đại hội cấp huyện gồm: Đoàn đại biểu xã, phường, thị trấn và các khối ngành, lĩnh vực trong huyện tham dự.
Các xã, phường, thị trấn và các phòng, ban, tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang cấp huyện không tổ chức Đại hội mà tổ chức Hội nghị bình xét, chọn cử đại biểu tham dự Đại hội cấp huyện theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh, huyện, đồng thời lập hồ sơ khen thưởng của các tập thể, cá nhân và đề nghị các cấp khen thưởng.
4. Thành phần, cơ cấu, và số lượng đại biểu:
4.1. Đối với Đại hội toàn quốc:
a) Thành phần:
a.1) Đại biểu chính thức: Đại biểu đại diện cho 53 dân tộc thiểu số trong phạm vi cả nước; các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng; các thành phần, vùng, miền được Đại hội cấp tỉnh và các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương chọn cử;
a.2) Đại biểu khách mời:
- Đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước;
- Đại biểu nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước;
- Đại biểu các bộ, ngành; các tổ chức chính trị- xã hội;
- Đại biểu lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Đại biểu lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng người dân tộc thiểu số;
- Đại biểu các tổ chức và cá nhân nước ngoài có nhiều đóng góp cho việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
- Đại biểu các doanh nghiệp, doanh nhân người dân tộc thiểu số;
- Đại biểu các cơ quan thông tin đại chúng.
b) Cơ cấu đại biểu:
- Đại biểu là người dân tộc thiểu số đại diện cho 53 dân tộc thiểu số Việt Nam tại các vùng, miền trong phạm vi cả nước;
- Đại biểu các dân tộc thiểu số đại diện các ngành, lĩnh vực (chính trị, kinh tế, văn hoá- xã hội, an ninh, quốc phòng);
- Đại biểu các dân tộc thiểu số cơ cấu theo lứa tuổi, giới tính;
- Đại biểu các dân tộc thiểu số cơ cấu theo thành phần: Công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, các nhà doanh nghiệp, tôn giáo, lực lượng vũ trang…;
- Đại biểu người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số;
c) Số lượng đại biểu:
- Đại biểu chính thức: Dự kiến 1.500 - 1.700 người;
- Đại biểu khách mời: Dự kiến 300 - 400 người;
- Phục vụ Đại hội: Dự kiến 300 - 400 người;
4.2. Đối với Đại hội cấp tỉnh, huyện:
a) Về thành phần, cơ cấu, tiêu chuẩn đại biểu của Đại hội cấp tỉnh, huyện cơ bản như Đại hội toàn quốc, Ban Chỉ đạo Đại hội toàn quốc có hướng dẫn cụ thể;
- Căn cứ điều kiện cụ thể của tỉnh, huyện, số lượng đại biểu dự Đại hội do Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh, huyện quyết định;
- Số lượng đại biểu chính thức dự Đại hội cấp tỉnh không quá 250 đại biểu;
- Số lượng đại biểu chính thức dự Đại hội cấp huyện không quá 200 đại biểu;
b) Đối với cấp xã, phường, thị trấn và tương đương không tổ chức Đại hội mà tổ chức Hội nghị lãnh đạo để:
- Xét, chọn cử đại biểu dự Đại hội cấp huyện; cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu cấp xã do Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh, huyện phân bổ và hướng dẫn;
- Bình chọn các tập thể, cá nhân có thành tích trên các lĩnh vực đề nghị cấp trên khen thưởng;
- Tổng hợp, lập hồ sơ và các thủ tục khen thưởng của tập thể, cá nhân và đề nghị cấp trên khen thưởng theo Luật Thi đua – Khen thưởng và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Đại hội các cấp.
5. Thời gian, địa điểm:
5.1. Thời gian:
a) Thời gian tổ chức Đại hội toàn quốc: Trong 02 ngày, vào trung tuần tháng 5/2010 – dịp Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh;
b) Thời gian tổ chức Đại hội cấp huyện, tỉnh: Trong 01 ngày, từ Quý III đến hết Quý IV năm 2009;
5.2. Địa điểm:
a) Địa điểm Đại hội toàn quốc được tổ chức tại thủ đô Hà Nội;
b) Địa điểm tổ chức Đại hội cấp huyện, tỉnh do Ban Chỉ đạo Đại hội cùng cấp quyết định.
6. Nội dung chủ yếu của Đại hội:
6.1. Tổng kết, đánh giá phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong các thời kỳ cách mạng, đặc biệt là thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển; đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác dân tộc từ Hội nghị Trung ương 7 (khoá IX) đến nay và định hướng đến năm 2020; Báo cáo điển hình của tập thể, cá nhân về các lĩnh vực tại Đại hội (do Ban Tổ chức Đại hội toàn quốc lựa chọn, phân công);
6.2. Biểu dương, khen thưởng:
a) Tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước qua các thời kỳ, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền về các điển hình tiên tiến trước, trong và sau Đại hội;
b) Đối tượng, hình thức khen thưởng tại Đại hội các cấp cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu do Ban chỉ đạo Đại hội toàn quốc quy định và hướng dẫn;
Đối tượng khen thưởng:
Tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước qua các thời kỳ, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới;
Hình thức khen thưởng:
- Huân chương;
- Huy chương;
- Danh hiệu vinh dự Nhà nước: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động…;
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
- Bằng khen, Kỷ niệm chương của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương;
c) Kỷ niệm chương của Uỷ ban Dân tộc:
- Tất cả các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các Dân tộc”;
6.3. Đại hội cấp dưới chọn cử Đại biểu dự Đại hội cấp trên theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Đại hội toàn quốc;
6.4. Giao lưu gặp mặt:
a) Đối với Đại hội toàn quốc:
- Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp gỡ, đối thoại, giao lưu trực tiếp với các đại biểu dự Đại hội (có kịch bản riêng của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam);
- Tổ chức giao lưu trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (có kịch bản riêng của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam);
b) Đối với Đại hội cấp tỉnh, huyện: Thực hiện theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Đại hội toàn quốc;
6.5. Tổ chức Dạ hội ngay sau khi kết thúc Đại hội toàn quốc;
6.6. Tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật chào mừng Đại hội.
7. Kinh phí:
7.1. Kinh phí tổ chức Đại hội các cấp do ngân sách nhà nước đảm bảo.
a) Ngân sách Trung ương: Bố trí cho việc tổ chức Đại hội toàn quốc và các hoạt động của Đại hội;
b) Ngân sách địa phương: Bố trí cho việc tổ chức Đại hội cấp tỉnh, huyện và các hoạt động của Đại hội.
7.2. Đối với các địa phương không tự cân đối được ngân sách chi cho các hoạt động và tổ chức Đại hội thì xây dựng kế hoạch dự toán kinh phí đề nghị Bộ Tài chính cân đối, cấp bổ sung.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội các cấp:
1.1. Ban Chỉ đạo Đại hội:
a) Ban Chỉ đạo Đại hội toàn quốc:
Ban Chỉ đạo Đại hội toàn quốc do một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc làm Phó Trưởng ban Thường trực; các Phó Trưởng ban và Uỷ viên Ban Chỉ đạo gồm lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan: Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ), Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Đại hội toàn quốc: Thành lập Ban Tổ chức và các Tiểu ban giúp việc Đại hội; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Đại hội các cấp; giải quyết các vấn đề phát sinh; đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết các công việc vượt quá thẩm quyền;
Ban Chỉ đạo Đại hội toàn quốc được sử dụng con dấu của Chính phủ để chỉ đạo.
b) Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh, huyện:
Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh, huyện do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban; Phó Trưởng ban và Uỷ viên là đại diện Lãnh đạo các cơ quan liên quan trực thuộc tỉnh, huyện;
Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh, huyện: Thành lập ban Tổ chức và các tiểu ban giúp việc Đại hội; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức Đại hội.
1.2. Ban Tổ chức Đại hội các cấp:
a) Ban Tổ chức Đại hội các cấp do Ban Chỉ đạo Đại hội cùng cấp thành lập; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc là Trưởng ban Tổ chức Đại hội toàn quốc;
b) Các Tiểu ban giúp việc Đại hội:
Ban Chỉ đạo Đại hội các cấp quyết định thành lập các Tiểu ban giúp việc Đại hội cùng cấp, bao gồm:
- Tiểu ban Nội dung;
- Tiểu ban Nhân sự;
- Tiểu ban Tuyên truyền – Văn hoá, nghệ thuật;
- Tiểu ban Thi đua - Khen thưởng;
- Tiểu ban Hậu cần - Phục vụ Đại hội.
2. Phân công trách nhiệm:
2.1. Uỷ ban Dân tộc:
a) Là cơ quan Thường trực, chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan và địa phương tham mưu giúp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội toàn quốc chỉ đạo việc tổ chức Đại hội các cấp;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan: Xây dựng kế hoạch, chương trình và triển khai tổ chức Đại hội toàn quốc; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai tổ chức Đại hội các cấp;
c) Theo dõi, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức về kết quả tổ chức Đại hội các cấp.
2.2. Bộ Thông tin và Truyền thông:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng và Uỷ ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội các cấp.
2.3. Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam:
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội các cấp;
b) Chủ trì xây dựng kịch bản và tổ chức thực hiện:
- Chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp Đại hội toàn quốc;
- Chương trình giao lưu, đối thoại trực tiếp giữa các đồng chí lãnh đạo. Đảng, Nhà nước với các đại biểu dự Đại hội;
c) Phối hợp với Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch:
- Thông tin kịp thời các hoạt động giao lưu văn hoá, biểu diễn nghệ thuật chào mừng Đại hội toàn quốc;
- Tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp chương trình văn hoá, nghệ thuật phục vụ tại Đại hội và Dạ hội ngay sau kết thúc Đại hội toàn quốc.
2.4. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội và Uỷ ban nhân dân các tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật trước, trong và sau Đại hội;
b) Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản và tổ chức Dạ hội chào mừng thành công Đại hội;
2.5. Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ):
a) Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Dân tộc, các bộ, ngành liên quan và các địa phương giúp Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội toàn quốc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác thi đua - khen thưởng Đại hội các cấp;
b) Chủ trì xét duyệt các hình thức khen thưởng và trình cấp có thẩm quyền quyết định.
2.6. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan giúp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội toàn quốc xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong thời gian diễn ra Đại hội các cấp;
2.7. Bộ Tài chính:
a) Bố trí nguồn kinh phí chi ngân sách tổ chức Đại hội và các hoạt động phục vụ Đại hội các cấp;
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, hướng dẫn quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí tổ chức Đại hội và các hoạt động phục vụ Đại hội các cấp.
c) Thẩm định, phê duyệt và quyết toán kinh phí tổ chức Đại hội.
2.8. Các bộ, ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Ban Chỉ đạo Đại hội toàn quốc.
2.9. Trân trọng kính mời Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận và các tổ chức chính trị- xã hội Trung ương:
a) Tham gia Ban Chỉ đạo Đại hội toàn quốc;
b) Chỉ đạo công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp;
c) Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền về Đại hội các cấp.
2.10. Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với các ngành liên quan và Ban Tổ chức Đại hội toàn quốc xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm giao thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội và các dịch vụ phục vụ Đại hội trong phạm vi địa bàn Hà Nội.
2.11. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Đại hội toàn quốc xây dựng kế hoạch và tổ chức Đại hội cấp tỉnh, huyện đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.
V. ĐỀ NGHỊ:
1. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội và thành lập Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu toàn quốc;
2. Đề nghị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội có bài phát biểu tại Đại hội và tham gia đối thoại, giao lưu trực tiếp với các đại biểu;
3. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ có quà tặng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc;
4. Đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng cho Uỷ ban Dân tộc nhân dịp tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc cũng là kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Cơ quan công tác dân tộc (năm 2006 Nhà nước đã tặng thưởng huân chương Hồ Chí Minh cho Uỷ ban Dân tộc).
Trên đây là Đề án tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam. Uỷ ban Dân tộc kính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.